Ngành logistics Việt phải vượt qua nhiều lực cản
Trước thực trạng doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực logistics còn cạnh tranh thiếu lành mạnh, nhân lực cho ngành thiếu trầm trọng, quy hoạch tổng thể ngành không hợp lý, đầu tư cơ sở vật chất không đạt chuẩn và thiếu đồng bộ… ông Nguyễn Xuân Phúc, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, hiện là Tổng giám đốc Công ty CP Logistics U&I (thuộc Công ty CP Đầu tư U&I – Unigroup) cùng chia sẻ với Tạp chí Nhà Đầu Tư về những trăn trở của ngành.
Ông Phúc nói: “Những năm gần đây, ngành logistics Việt Nam đã có nhiều bước tiến đáng kể, giúp Việt Nam cải thiện được chỉ số thu hút đầu tư so với các nước trong khu vực, có sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Một số doanh nghịêp Việt đã và đang thay đổi tư duy lẫn cách tiếp cận với logistics, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ chuyên nghiệp hơn, có chất lượng hơn.”
NĐT: Vậy điều gì đang và sẽ cản trở ngành logistics phát triển, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Phúc: Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp logistics Việt Nam đang phải “tự bơi” để tìm con đường sống, các doanh nghiệp logistics Việt vẫn chưa chịu “bắt tay nhau” mà chỉ tìm cách cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Mặt khác, nhận thức về logistics chưa đúng và đầy đủ dẫn đến cách tiếp cận với logistics chưa hoàn toàn đúng, trong khi nhân lực cho ngành này thiếu trầm trọng. Một số trường đại học dù đã mở các khoa đào tạo liên quan đến logistics nhưng đào tạo không đạt tới mức độ chuyên nghiệp cần có mà chủ yếu chỉ tập trung giới thiệu các khái niệm cơ bản. Trong quá trình làm việc, tôi cũng nhận thấy quy hoạch tổng thể cho ngành này còn chưa hợp lý, đầu tư cơ sở vật chất không đạt chuẩn và thiếu đồng bộ, nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng phụ thuộc nguồn ngân sách nhà nước nên không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của ngành. Tập quán kinh doanh của doanh nghiệp Việt (mua giá CIF và bán giá FOB) cũng là một trở ngại khác đối với ngành. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa thật sự chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong khi đây là một giải pháp quản lý ưu việt. Ngoài ra, hiện nay có khá nhiều những văn bản pháp lý liên quan đến lĩnh vực logistics còn chồng chéo, chưa sát với thực tế, gây khó khăn cho các doanh nghiệp logistics và tạo tâm lý bất an cho các nhà đầu tư.
Theo ông, cần những giải pháp nào để khắc phục triệt để vấn đề này?
Ông Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ cần thành lập một cơ quan quản lý chuyên cho ngành logistics nhằm nghiên cứu và đưa ra các chính sách, các phương án khả thi nhất, ít tốn kém nhất để quy hoạch lại hạ tầng cho việc phát triển ngành, nếu không nghiêm túc trong vấn đề này thì chỉ trong 10 – 15 năm tới các địa phương sẽ không còn quỹ đất cho các trung tâm logistics. Các tiêu chuẩn đối với hạ tầng logistics cũng cần có để từ đó triển khai việc xây dựng cơ sở hạ tầng đạt chuẩn quốc tế, cần xem xét tới yếu tố đồng bộ giữa việc xây dựng cảng, bến, trung tâm logistics, hệ thống đường giao thông, các phương tiện vận chuyển, nâng hạ, xếp dỡ… Chính phủ cũng cần khuyến khích và hỗ trợ các địa phương có lợi thế về vị trí địa lý và kinh tế tổ chức các khoa đào tạo chuyên ngành logistics tại các trường đại học địa phương để giảm tải cho hai trung tâm đào tạo lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM, đồng thời có thể cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp logistics địa phương. Không nên quá lệ thuộc vào tài chính công để đầu tư hạ tầng logistics!
Việc thay đổi cách tiếp cận với logistics, hiểu đúng bản chất của logistics để từ đó có các chính sách vĩ mô cũng như các chương trình hành động cụ thể nhằm tạo ra động lực phát triển ngành logistics là cần thiết. Một số địa phương muốn cải thiện chỉ số thu hút đầu tư nhưng chỉ tập trung vào các chính sách giảm giá thuê đất, ưu đãi thuế, hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động… là đúng, nhưng họ cũng cần hiểu rằng các doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến chi phí hoạt động, bao gồm cả chi phí logistics, khi quyết định đầu tư.
Về phía doanh nghiệp thì các doanh nghiệp Việt trong ngành cần liên kết với nhau để tạo thành sức mạnh qua các mối quan hệ mang tính cộng sinh và chủ động ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quy trình quản lý. Đây là các việc làm hết sức cần thiết và có thể chủ động được khi thách thức rất lớn đến từ các doanh nghiệp logistics nước ngoài đã và đang “đổ bộ” vào Việt Nam trong khi doanh nghiệp Việt có quy mô đầu tư nhỏ, chưa tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi, khả năng cung cấp dịch vụ còn hạn chế, chưa thể phát triển thành các doanh nghiệp 3PL.
Có quá nhiều lực cản để ngành logistics phát triển! Chính Phủ cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp logistics Việt Nam tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, các doanh nghiệp lớn có năng lực cần tạo ra được các chuỗi cung ứng mà trong đó, họ là nhân tố quan trọng, và tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào một vài khâu trong chuỗi cung ứng đó để tạo ra một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh!
Cuối năm 2015 là thời điểm hình thành Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC); khoảng thời gian này cũng là thời điểm Chính phủ Việt Nam đang tiến hành đàm phán, chuẩn bị ký kết và đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Hàn Quốc, EU, Liên minh Kinh tế Á – Âu… Việc này dù mở ra nhiều cơ hội, nhưng thách thức vẫn là không nhỏ với ngành logistics lẫn doanh nghiệp của ông?
Ông Nguyễn Xuân Phúc: Lợi ích của nền kinh tế Việt Nam khi AEC chính thức hình thành là rất lớn, U&I Logistics cũng như ngành logistics Việt Nam cũng thấy rất rõ rằng các doanh nghiệp logistics Việt sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều thị trường rộng lớn hơn thông qua các FTA, có cơ hội hợp tác và học hỏi cùng với các doanh nghiệp logistics của các quốc gia có ngành logistics phát triển trong ASEAN như Thái Lan, Singapore. Tôi cũng hy vọng sẽ hình thành một “con đường logistics” kết nối các thành viên AEC với nhau, các doanh nghiệp logistics Việt sẽ trở thành những nhân tố quan trọng tham gia vào con đường này.
Bên cạnh đó, U&I Logistics cũng như ngành logistics Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, bởi hội nhập đồng nghĩa với cạnh tranh bình đẳng. Thị trường Việt Nam là miếng bánh màu mỡ mà doanh nghiệp logistics nước ngoài không thể bỏ qua, khi đó, doanh nghiệp logistics Việt sẽ phải cạnh tranh quyết liệt hơn. Nếu không được hỗ trợ phù hợp và chuẩn bị thật tích cực thì khả năng phải chấp nhận từ bỏ cuộc chơi và thua ngay trên sân nhà là rất cao!
Trân trọng cảm ơn ông!