Miễn phí nhưng miễn chê!1. Google mail“Từ khi chuyển sang sử dụng dịch vụ Mail Doanh Nghiệp của Google (Gmail DN - miễn phí cho DN dưới 50 người và cho các tổ chức xã hội, đào tạo), chúng tôi quên mất thế nào là những nỗi khổ với máy chủ email. Bạn sẽ không phải lo chống spam, không phải lo địa chỉ của mình thay vì tới thùng thư khách hàng thì bị loại vào thùng thư rác, bạn cũng không phải khổ sở tự quản lý, cấu hình máy chủ lưu trữ thư điện tử… Hơn nữa, Google là một nhà cung cấp dịch vụ rất lớn, lớn tới nỗi giả thiết “nếu server của họ bị hỏng thì kêu ai” chỉ là cái khả năng, chứ hầu như không xảy ra”, ông Trương Hồng Hạnh từ Công ty TTSOFT, TP.HCM nói.
Ông cho biết, hiện tại, Công ty đang sử dụng dịch vụ Gmail DN này (đã sử dụng được 3 năm) không phải vì Công ty không có khả năng tự quản lý mà quan trọng là Google làm chuyện này tốt hơn! Ngoài sự tiện lợi khi vừa sử dụng được với Outlook, vừa có thể làm việc qua Internet, bạn còn có thể khai thác được những thế mạnh đặc biệt của hệ thống Gmail: tìm kiếm cực nhanh, quản lý theo nhãn, chia sẻ lịch làm việc, quản lý, soạn thảo và chia sẻ văn bản dùng chung … Với người quản trị hệ thống thì việc tạo địa chỉ email mới, thậm chí cho phép một người sử dụng nhiều email rất đơn giản. Ông Hạnh cho biết, có rất nhiều công ty và cả trường đại học cũng đang dùng ứng dụng Google.
Để sử dụng dịch vụ miễn phí này của Google, hay sử dụng dịch vụ cao cấp hơn khi bạn có nhu cầu lớn hơn (như trên 50 người dùng, hoặc mỗi người dùng thay vì sử dụng 7GB lưu trữ họ cần tới 25GB), bạn có thể gõ vào địa chỉ:
http://google.com/a/ và làm vài thủ tục đơn giản để đăng ký. Bạn nhập vào tên miền của bạn, sau đó Google sẽ yêu cầu bạn thực hiện một vài việc để đảm bảo rằng tên miền mà bạn đã chọn đúng là do bạn quản lý. Những việc này, nếu bạn là người quản lý tên miền của mình, thì chỉ cần vài phút là xong. Nếu công ty của bạn dưới 50 người, dịch vụ miễn phí tuyệt vời này của Google tiện dụng hơn cả Gmail, lại được dùng đúng với tên miền của mình!
2. VoIP miễn phí với SkypeĐể tiết kiệm chi phí liên lạc, nhiều người hiện đã và đang dùng dịch vụ thoại VoIP miễn phí Skype (www.skype.com). Skype là một mạng điện thoại Internet được thành lập bởi Niklas Zennström và Janus Friis, miễn phí mọi cuộc gọi giữa 2 máy tính (PC-to-PC) nhưng vẫn thu cước dịch vụ gọi tới số điện thoại cố định và di động thông thường. Skype hiện đã phát triển nhanh chóng về cả lượng người dùng và GP phần mềm đi kèm, bao gồm dịch vụ miễn phí và có phí. Tính năng nổi bật của GP này là: hội nghị thoại và hình ảnh miễn phí, khả năng sử dụng công nghệ (phân bố) ngang hàng để vượt qua các vấn đề về tường lửa và cơ chế dịch đổi địa chỉ mạng… Điểm khác nhau chủ yếu giữa Skype và các chương trình VoIP khác là Skype không hoạt động theo mô hình “chủ - khách” (server - client) mà là trên mạng ngang hàng.
(Hiện đã có gần 18 triệu người sử dụng Skype trên toàn thế giới. Skype được tải miễn phí trực tiếp từ: www.skype.com, chạy trên Windows 2000/XP/CE (Pocket PC), Mac OS X và GNU/Linux. Skype chưa có tiếng Việt và người dùng Việt chỉ sử dụng được tính năng PC-to-PC. Với tính năng này, người dùng Việt Nam thường chat video, chất lượng âm, hình rõ.)Skype sở hữu mã nguồn đóng và có cơ chế mã hóa không thể bật hoặc tắt. Người dùng không phải động tới vấn đề hạ tầng khóa công cộng. Skype sử dụng những giải thuật mã hóa có sẵn. Nhưng, lưu ý khi sử dụng GP này là Skype cho phép nhiều đăng nhập đồng thời nên nếu một kẻ tấn công (hacker) có thể có được mật khẩu đăng nhập của người dùng, hacker đó có thể đăng nhập như người dùng và thay đổi trạng thái của họ. Sau đó, các phiên nói chuyện liên quan đến người dùng thật có thể được sao chép lại vào tài khoản “ma” của hacker. Do vậy, người dùng Skype phải đặt mật khẩu và giữ gìn nó một cách an toàn nhất.
Dịch vụ có phí của Skype là SkypeOut và SkypeIn. Khi gọi đến điện thoại của mạng PSTN qua dịch vụ SkypeOut (phải mua thẻ), người dùng thao tác nhấn số bình thường chứ không cần phải dùng đến chuột máy tính. Không như những cuộc gọi đường dài quốc tế từ điện thoại truyền thống được tính cước theo khoảng cách giữa hai quốc gia, SkypeOut tính toán dựa trên sự phát triển tương đối của một nước, khối lượng cuộc gọi đến và đi, cộng thêm một số chi phí phụ. Còn với dịch vụ SkypeIn, cho phép người dùng có thể đăng ký thuê bao một số điện thoại cố định. Nếu bạn bè của họ không dùng Skype và quay số này, họ vẫn nhận được cuộc gọi trên Skype tại bất cứ đâu. Trả cước qua thẻ tín dụng, séc hoặc dịch vụ trực tuyến như PayPal và Moneybrookers. Người đăng ký phải đặt cọc khoảng 220.000 hoặc 450.000 đồng (12 hoặc 24 USD), tự động hết hạn sau 180 ngày không sử dụng.
Nguồn: PCWord Việt Nam