Người bệnh tiểu đường nên ăn cáNếu chỉ xét về giá trị dinh dưỡng thật khó nói thịt hay cá tốt hơn, vì loại nào cũng được này mất kia. Nhưng riêng với người bệnh tiểu đường, thì cá rõ ràng có lợi hơn thịt.
Những lý do nên ăn cáNgười ăn quá nhiều thịt là đối tượng dễ bị ung thư ruột. Bệnh này lại là một trong các căn bệnh đồng hành gắn bó với bệnh tiểu đường. Theo nhiều nhà nghiên cứu, tỉ lệ ung thư ruột tăng gần 50% ở người tiêu thụ tròm trèm 100g thịt mỗi ngày.
Với người dùng hơn 100g thịt mỗi ngày thì khả năng mắc bệnh thậm chí có thể tăng đến 70%! Tỷ lệ này cao hơn nữa nếu vừa ăn thịt vừa uống bia! Nói chung, người bệnh tiểu đường không nên có thịt trên bàn ăn nhiều hơn 3 lần trong tuần, mỗi lần không nên nhiều hơn 120g.
Cũng đừng ăn hoài một thứ thịt. Càng thay đổi càng tốt. Thêm vào đó, cho dù thèm thịt cách mấy cũng nên tránh xa các món xông khói cũng như giảm thiểu các món chiên, món nướng, và thay vào đó bằng món nhúng, món luộc, món hấp.
Ngược lại, khẩu phần càng có nhiều cá biển, tỉ lệ ung thư ruột càng thấp. Bằng chứng là số người bệnh tiểu đường có 100g cá trong khẩu phần bị ung thư ruột chỉ bằng phân nửa nhóm đối chứng với thói quen “trọng thịt khinh cá”!
Món nào từ cá là thuốc tốt?Thầy thuốc ở Đại học Rush, Chicago (Mỹ) đã chứng minh là chức năng tuần hoàn của người cao tuổi bị bệnh tiểu đường được cải thiện thấy rõ nếu họ được bồi dưỡng với cá biển giàu Omega-3 như cá mòi, cá hồi, cá thu... dù mỗi tuần chỉ một lần. Người bệnh tiểu đường nếu có thêm vấn đề chất mỡ trong máu nên uống thêm thuốc có chứa dầu béo Omega-3 để chắc chắn là cơ thể không thiếu chất này. Ngay cả người chay trường cũng đừng lo thiếu Omega-3.
Rong biển, như tảo Spirulina, cũng có tác dụng tương tự cá biển, thậm chí toàn diện hơn, vì vừa chứa nhiều Omega-3 vừa dồi dào chất đạm loại không gây gánh nặng cho lá gan và trái thận.
Cá nước ngọt thường không chứa nhiều 3-Omega, nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ. Đó là cá basa, tất nhiên với điều kiện cá không được vỗ béo bằng thuốc kháng sinh, với nội tiết tố tăng trưởng...
Càng đa dạng càng tốtĐừng quên cảm giác thèm thịt cá là do cơ thể cần chất đạm. Tình trạng này càng rõ nét hơn nữa với người bệnh tiểu đường do rối loạn biến dưỡng chất đường bao giờ cũng kéo theo mất quân bình về chất đạm và chất béo. Muốn người bệnh đừng quá thèm thịt cần bổ sung chất đạm gốc thực vật từ đậu nành. Cũng đừng quên người bệnh tiểu đường rất cần khẩu phần đa dạng.
Dùng thịt cá đúng cách nhưng quên rau quả là một thiếu sót đáng trách. Rau hay quả đều cần thiết cho người bệnh tiểu đường vì là nguồn cung cấp nhiều loại sinh tố. Tùy theo mức độ ổn định của đường huyết mà “đầu bếp” nên chọn nhiều rau hay quả cho bữa ăn của người bệnh tiểu đường.
Nếu lượng đường trong máu còn giao động nhiều thì rau cải có lợi hơn trái cây. Trong lúc đường huyết đang trồi sụt vô chừng phải tránh các loại trái quá ngọt như sầu riêng, mít, xoài, lồng mứt... để tránh đường huyết tăng đột ngột. Nếu không đổi được thói quen tráng miệng bằng trái cây nên chọn loại trái chua, chát, ít ngọt như ổi, bưởi, thanh long...
Đừng quên một nguyên tắc tối quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của người bệnh tiểu đường, đó là đừng mạnh miệng với bất cứ món gì. Món nào cũng chút chút cho vui. Không riêng gì bệnh tiểu đường, hầu như bệnh nào cũng thế, cũng thường do quá thừa một chất nào đó trong khi chất khác lại thiếu.