Bí đao chữa sỏi thận Bạn có thể cải thiện chứng sỏi tiết niệu, sốt nóng, đái rắt, phù thũng... bằng cách chế biến các món ăn - bài thuốc từ bí đao.
Bí đao có hai giống chính là bí đá và bí gối. Bí đá (bí xanh) có quả nhỏ, thuôn dài, khi già vỏ ngoài có màu lục xám và cứng, không có phấn trắng, cùi dày ít ruột, có phấn trắng ở quả già. Bí đao còn là vị thuốc trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian.
Chữa sốt nóng, háo khát do nhiệt: Bí đao một quả, nướng cho chín vỏ ngoài, rửa sạch, giã nát, cho vào miếng vải sạch, vắt kiệt lấy nước, thêm vài hạt muối rồi uống làm nhiều lần trong ngày. Người đang bị tiêu chảy hoặc đã được chữa khỏi, phụ nữ sau khi sinh bị khát nước, phù mặt và chân tay, dùng nước ép quả bí đao rất tốt, chống hiện tượng mất nước. Không dùng cho chứng tiêu chảy thể hàn.
Chữa phù thũng: Bí đao nấu với hành củ và cá chép ăn hằng ngày, hoặc bí đao và hạt đậu đỏ, lượng mỗi thứ 40 gr, thái nhỏ, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày. Dùng nhiều ngày. Bí đao chứa hàm lượng cao chất muối kali, có tác dụng lợi tiểu mạnh.
Chữa đái rắt, đái buốt: Vỏ quả bí đao 20 - 40 gr, dùng riêng hoặc phối hợp với rễ mía dò 30 gr, rễ cỏ tranh, rễ cỏ xước, mã đề, kim tiền thảo, mỗi thứ 20 gr. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc uống ngày một thang.
Chữa sỏi thận, sỏi bàng quang: Vỏ bí đao 20 gr, kim tiền thảo, mã đề, rễ rau dền gai (sao vàng), rễ thiên lý, rễ cỏ tranh, đậu đen (sao thơm), mỗi thứ 12 gr. Sắc uống.